Triết học có lẽ là một bộ môn khiến nhiều bạn trẻ ái ngại và gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm hiểu. Bộ môn này khai thác rất nhiều giá trị của con người cũng như thế giới. Để có thể tăng thêm sự hứng thú cũng như hiểu rõ hơn về bộ môn này, mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau để có thêm nhiều kiến thức và hiểu rõ vai trò của môn học này trong đời sống nhé!
Tìm hiểu chi tiết khái niệm về triết học
Triết học là một kho tàng bao hàm các tri thức, lý luận thống nhất của con người về thế giới, cũng như vị trí và vai trò của con người trong thế giới ấy. Bộ môn này còn nghiên cứu, phân tích các câu hỏi về sự tồn tại, kiến thức, giá trị, lý trí, tâm trí và ngôn ngữ của con người. Đây đều là những chủ đề thường được đặt câu hỏi để tìm ra vấn đề cốt lõi và nghiên cứu cách giải quyết.
Triết học gồm quá trình đặt câu hỏi, thảo luận, lập luận các lý luận, phê bình và trình bày một cách có hệ thống. Môn học này được phân biệt với các môn học khác cũng chính bởi yếu tố có tính phê phán, tiếp cận sự vật sự việc có hệ thống chung nhất và phụ thuộc vào tính duy lý trong việc lập luận.
Nguồn gốc về sự ra đời của bộ môn triết học
Trong tiếng Anh, “Triết học” được viết là “philosophy”, từ này được xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ đại là philosophia, mang ý nghĩa là tình yêu đối với sự thông thái. Đây là từ xuất phát từ nhà tư tưởng Hy Lạp Pythagoras với khát vọng tìm kiếm chân lý của con người.
Nói về nguồn gốc, triết học ra đời đồng thời ở ra phương Đông và phương Tây trong khoảng thế kỷ VIII đến thế kỷ VI TCN. Xuất hiện tại các quốc gia văn minh cổ đại như Ấn Độ, Trung Quốc và Hy Lạp.
Ở Trung Quốc, bộ môn này được bắt nguồn từ chữ triết và được hiểu với ý nghĩa là đi tìm bản chất thật của các đối tượng, trí tuệ, sự hiểu biết của con người. Còn ở Ấn Độ, triết học hay còn gọi là darshanas lại có ý nghĩa là tri thức dựa trên lý trí và suy ngẫm dẫn dắt con người đến lẽ phải.
Nhưng chung quy lại, dù ở đâu thì triết học vẫn mang một hàm ý chung về tinh thần, nhận định con người ở nhiều mặt. Bộ môn này tồn tại như một hình thái ý thức xã hội, đánh giá con người và mọi vật trên thế giới.
Triết học hướng đến đối tượng nghiên cứu nào?
Đối tượng nghiên cứu của triết học là những hiện thực khách quan, mối quan hệ giữa thế giới vật chất và những sự vật hiện tượng do con người tưởng tượng ra. Đồng thời, đây cũng là mối liên hệ chung nhất của sự vật, được phản ánh trong các phạm trù của bộ môn này.
Đối tượng nghiên cứu sẽ có những nội dung, chủ đề khác nhau dựa vào sự thay đổi của thế giới, xã hội qua từng mốc thời gian và giai đoạn phát triển. Ở thời cổ đại, triết học được xem là khoa học của mọi khoa học bởi lúc này sự hiểu biết của con người về thế giới xung quanh còn rất hạn chế.
Tuy nhiên, ở thời trung cổ, triết học có vai trò lý giải, chứng minh sự tồn tại của đức chúa trời và thượng đế. Bởi giai đoạn này, Đạo Thiên Chúa nắm quyền lực tối cao nhất, bao trùm và thống lĩnh xã hội. Vì vậy mà bộ môn này phát triển chậm chạp hơn, chỉ có nhiệm vụ chứng minh các lời dạy trong kinh thánh là đúng đắn.
Đến thời phục hưng và thời kỳ cận đại, triết học lúc này đã gắn liền với khoa học, tìm ra bản chất của các sự vật và hiện tượng dựa trên khoa học tự nhiên. Triết lý duy vật nhờ vậy mà phát triển mạnh mẽ hơn. Đồng thời cũng vào giai đoạn này, triết học Mác ra đời, đánh dấu bước ngoặt mới, giải đáp các vấn đề của thế giới trên lập trường duy vật cũng như những quy luật của tự nhiên.
Khám phá nội dung vấn đề cơ bản của triết học
Triết học lý giải rất nhiều vấn đề khác nhau về con người, cũng như sự tồn tại của vạn vật trên thế giới. Tuy nhiên, có một vấn đề quan trọng nhất được gọi là vấn đề cơ bản của triết học. Sở dĩ, đây được gọi là vấn đề cơ bản bởi dựa vào cơ sở của vấn đề này có thể giải quyết được những vấn đề còn lại. Vấn đề này gồm sự tồn tài về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức.
Hai vấn đề được đặt ra bao gồm hai mặt, mặt thứ nhất là “Vật chất và ý thức cái nào có trước, cái nào có sau? Cái nào có thể quyết định cái nào?”. Mặt thứ hai, câu hỏi được đặt ra là “Con người có khả năng nhận thức thế giới xung quanh mình hay không?”.
Giải quyết mặt thứ nhất
Để có thể đưa ra nhận định, giải quyết mặt thứ nhất trong vấn đề cơ bản. Trong lịch sử người ta đã chia ra các trường phái lớn để đưa ra lập luận:
- Trường phái 1: Nhóm người cho rằng vật chất có trước và nó nắm vai trò quyết định ý thức. Những người này là các nhà duy vật và họ sẽ đưa ra các học thuyết mang chủ nghĩa duy vật.
- Trường phái 2: Nhóm người này lại cho rằng ý thức là cái có trước và nó nắm vai trò quyết định vật chất. Những người này là các nhà duy tâm và các học thuyết của họ theo chủ nghĩa duy tâm.
- Trường phái 3: Nhóm nhà triết học này cho rằng vật chất và ý thức cùng tồn tại song song, không có cái nào quyết định cái nào và cả hai cùng là nguồn gốc tạo ra thế giới. Học thuyết này được hợp thành học thuyết nhị nguyên luận và họ được gọi là các nhà nhị nguyên.
Giải quyết mặt thứ 2
Với câu hỏi “Con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không?”, ở mỗi trường phái sẽ đưa ra những lý luận khác nhau. Câu trả lời của từng trường phái cho rằng:
- Chủ nghĩa duy vật: giải thích cho câu hỏi này, chủ nghĩa duy vật cho rằng ý thức chính là sự phản ánh cho thế giới vật chất, vì vật mà con người có khả năng nhận thức thế giới. Chủ nghĩa này cũng nhấn mạnh rằng, trong thế giới khách quan chỉ có cái chưa biết chứ không có cái gì là không thể biết.
- Chủ nghĩa duy tâm: họ cũng cho rằng con người có khả năng nhận thức thế giới. Tuy nhiên, chủ nghĩa duy tâm sẽ lý luận theo mặt thần hóa nhận thức của con người. Nghĩa là sự tự nhận thức, sự tự hồi tưởng của linh hồn bất tử của con người.
Bên cạnh đó, cũng có một trường phải phủ nhận khả năng nhận biết của con người gọi là thuyết không thể biết. Nhóm người này cho rằng con người không thể nhận thức thế giới hoặc chỉ nhận biết được vẻ bên ngoài mà thôi.
Vai trò mà triết học mang đến cho xã hội
Triết học trong đời sống xã hội của con người mang nhiều chức năng khác nhau. Nhưng trong đó, quan trọng nhất chính là chức năng thế giới quan và chức năng phương pháp luận. Để giải thích cho sự quan trọng của hai chức năng này, mời bạn theo dõi phần sau của bài viết.
Chức năng thế giới quan
Thế giới quan là một trong những vấn đề đầu tiên được triết học đặt ra và giải quyết, đây cũng chính là một trong những chức năng cơ bản. Thế giới quan là tất cả các quan điểm, quan niệm của con người về thế giới, về chính con người, về đời sống và vị trí của chính mình trong thế giới đó. Thế giới quan sẽ được hình thành và phát triển trong suốt quá trình con người sinh sống.
Thế giới quan đóng vai trò quan trọng như một định hướng giúp con người xác định được thái độ đúng đắn đối với cuộc sống và hướng theo những điều tích cực. Thế giới quan cũng bao gồm nhiều trình độ khác nhau như huyền thoại, tôn giáo, triết học,… Từ một thế giới quan đúng đắn, con người sẽ nhận xét, quan sát và nhìn nhận mọi vấn đề xung quanh một cách tốt nhất.
Chức năng phương pháp luận
Phương pháp luận là hệ thống các lý luận, quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo con người xây dựng, tìm tòi, lựa chọn và vận dụng các phương pháp trong nhận thức và cả thực tiễn. Phương pháp luận cũng có nhiều cấp độ khác nhau, phương pháp luận của triết học chính là phương pháp luận chung nhất.
Phương pháp luận đóng vai trò định hướng cho con người, quyết định sự thành bại trong hoạt động nhận thức và thực tiễn. Giúp các nhà khoa học tìm tòi, nghiên cứu ra những lĩnh vực mới, mang đến nhiều cải cách và hướng đi mới.
Phương pháp học tốt bộ môn triết học
Có lẽ sinh viên dù theo học bất kỳ ngành học nào cũng sẽ đều học qua bộ môn triết học. Kiến thức bao la rộng lớn của bộ môn này sẽ khiến các bạn có chút e ngại và bất ngờ. Vì vậy, nếu không chuẩn bị cho mình các bí quyết, phương pháp học tốt nhất định sẽ khó tiếp thu. Tuy nhiên, các phương pháp hiệu quả dưới đây sẽ giúp các bạn phần nào bớt lo lắng hơn về bộ môn này.
Chuẩn bị tài liệu học đầy đủ
Để có thể theo tốt bộ môn này, mọi người nên đọc tài liệu trước khi bắt đầu lên lớp. Có thể tham khảo trước bài từ sách, kèm theo các kiến thức bên ngoài từ các trang mạng. Nắm rõ các yêu cầu và nội dung của tài liệu để khi giáo viên giảng bạn có thể dễ nắm bắt bài hơn, hiểu rõ các thông tin được truyền tải hơn. Khi học cũng sẽ có thể theo kịp nhịp độ của giáo viên, không khiến bài học bị chán.
Lắng nghe và ghi chép cẩn thận
Việc lắng nghe thầy cô giảng bài là cực kỳ quan trọng khi học triết học, vì kiến thức của bộ môn này tương đối nhiều và khó hiểu. Chính vì vậy, sinh viên cần tập trung cao độ để lắng nghe và ghi chép lại những ý chính, những nội dung quan trọng. Những thông tin ghi lại khi nghe giảng kết hợp cùng tài liệu như vậy bạn sẽ nắm trọn kiến thức một cách nhanh chóng hơn.
Lời kết
Chuyên mục kiến thức học đường vừa mang đến cho bạn các thông tin về bộ môn triết học. Tuy đây là một bộ môn tương đối khó chinh phục nhưng nếu bạn hiểu rõ về nguồn gốc, vai trò cũng như phương pháp học hiệu quả chắc chắn rằng bạn sẽ thành công.